Huế là một trong những thành phố xanh nhất ở Việt Nam và lãnh đạo địa phương hầu hết đều nhận thức được lợi ích của các giải pháp dựa vào thiên nhiên (GPDVTN), cụ thể là Cơ sở hạ tầng cây xanh-mặt nước (CSHTCX-MN), để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, họ yêu cầu hỗ trợ thực hiện dự án sâu hơn nhằm tăng khả năng chống chịu của Huế trước các đợt không khí nóng và lũ lụt ngày càng trầm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do đó, vào tháng 11 năm 2022, GreenCityLabHuế đã tổ chức ba sự kiện cho các nhóm đối tượng khác nhau để thảo luận về các kịch bản tiềm năng cho việc phát triển CSHTCX-MN tại Huế và trao đổi với các bên liên quan tại địa phương về nhu cầu cụ thể của họ.
Ban đầu, các bên liên quan tại địa phương, đặc biệt là từ các tổ chức xã hội dân sự và khoa học, được mời tham dự Hội thảo Đồng thiết kế hướng đến Tầm nhìn Thành phố Xanh Huế. Mục tiêu là thảo luận về các kịch bản tiềm năng cho việc phát triển CSHTCX-MN ở Huế theo mô hình của Đại học Humboldt Berlin. Các kịch bản này được dùng làm ví dụ cho quy hoạch đô thị trong tương lai và sẽ được trình bày chi tiết hơn trong dự án.
Trong cuộc thảo luận bàn tròn mở đầu của dự án, lãnh đạo địa phương và đại diện từ chính quyền địa phương đã bàn về những thách thức của việc quy hoạch CSHTCX-MN ở cấp khu vực và toàn thành phố. Họ đã chia sẻ rằng việc xây dựng CSHTCX-MN tại Huế hiện tại chỉ mới khuyến khích thực hiện chứ chưa có quy định pháp lý nào yêu cầu thực hiện. Do đó, không đảm bảo được việc tích hợp CSHTCX-MN vào quy hoạch đô thị. Đặc biệt, khi phát triển các khu đô thị mới, cần ưu tiên xem xét thêm việc tích hợp CSHTCX-MN. Các bên tham dự thảo luận bàn tròn cũng đặt câu hỏi về các công cụ và phương pháp thiết thực để quy hoạch CSHTCX-MN, chẳng hạn như phương pháp đo mật độ không gian xanh trong thành phố. Ngoài ra, các bên tham gia ủng hộ việc thúc đẩy các dự án thích ứng với lũ lụt, bởi vì Huế thường xuyên bị lũ lụt nghiêm trọng. Cuối cùng, họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của người dân và nhà đầu tư về lợi ích của CSHTCX-MN để khuyến khích sự tham gia vào quá trình phát triển và duy trì CSHTCX-MN.
Sự kiện công khai đầu tiên của GreenCityLabHuế đã mời đại diện của một số nhóm và công chúng tham gia. Trong sự kiện này, đại diện của bốn phường, bao gồm An Đông, Phú Hội, Tây Lộc và Thủy Biều, đã trình bày các sáng kiến xanh được thực hiện tại các phường của họ. Sau sự kiện, người tham gia có cơ hội tham quan triển lãm/trưng bày của GreenCityLabHuế để tìm hiểu thêm về GPDVTN và CSHTCX-MN thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong cuộc thảo luận cuối cùng, những người tham gia cho biết họ đã và đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu như sự thay đổi nhiệt độ, lũ lụt, bão, xâm nhập mặn, bao gồm tác động của những hiện tượng này lên sức khỏe con người, cơ sở hạ tầng đô thị và nông nghiệp. Ngoài ra, họ yêu cầu xây dựng nhiều không gian xanh ở trong thành phố hơn, nhất là ở vùng trung tâm thành phố và các phường mới sáp nhập hoặc kém phát triển hơn. GreenCityLabHuế sẽ xem xét lồng ghép những ý kiến và mối quan tâm như dữ liệu đầu vào này vào các hoạt động tương lai.
Cả ba sự kiện đều được diễn ra tại các phòng hội nghị của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (HUSC) vào tuần cuối cùng của tháng 11 năm 2022. Hội thảo được phối hợp tổ chức bởi Khoa Kiến trúc của HUSC, Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Viện Nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên Huế (HueIDS), Đại học Berlin Humboldt (HUB) và Viện độc lập về các vấn đề Môi trường (UfU).
Vào năm 2023, GreenCityLabHuế sẽ triển khai các ví dụ quy mô nhỏ về Cơ sở hạ tầng cây xanh-mặt nước tại bốn địa điểm khác nhau ở Huế, được gọi là “điểm trưng bày”. Để thực hiện kế hoạch trên, dự án đã tổ chức Cuộc thi thiết kế dành cho sinh viên và người dân có quan tâm trong năm 2022 để tìm ra thiết kế phù hợp cho từng điểm trưng bày. Nhóm dự án đã ghé thăm các địa điểm này để thảo luận về việc thực hiện bốn thiết kế với đại diện của các phường tương ứng và các đội chiến thắng trong Cuộc thi thiết kế. Cả bốn địa điểm hứa hẹn sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống tại các phường tương ứng và sẽ trở thành những ví dụ điển hình về phát triển CSHTCX-MN ở Huế trong tương lai.
Sự kiện cộng đồng GreenCityLabHuế trên bản tin địa phương.