Không gian xanh của thành phố Huế hiện nay đang được phân bổ như thế nào và khả năng tiếp cận của người dân đối với những công viên hiện có tại những khu vực khác nhau trong thành phố thuận tiện hay không? Không gian xanh đa chức năng phải đáp ứng những yêu cầu gì? Những loại hình cơ sở hạ tầng cây xanh nên được tiếp tục phát triển và được bổ sung ở Huế trong trung hạn? Đây là những chủ đề chính được thảo luận trong buổi hội thảo bàn tròn chính sách GreenCitylabHuế lần thứ ba đã diễn ra vào ngày 22 tháng 03.
Trong buổi hội thảo, ông Fabian Stolpe đến từ Viện độc lập về các vấn đề Môi trường (UfU) đã trình bày những yêu cầu và nhu cầu đối với không gian xanh công cộng ở Huế, cũng như những thách thức trong quá trình quy hoạch và triển khai, đây là những nội dung đã được xác định trong những sự kiện cộng đồng được tổ chức trong khuôn khổ dự án. Sau đó, ông Luca Sumfleth đến từ trường Đại học Humboldt tại Berlin (HUB) và ông Nguyễn Đắc Hoàng Long đến từ Viện Nghiên cứu Khoa học Miền trung (MISR) đã trình bày kết quả của khảo sát cộng đồng về những nhận thức, thiết kế và chức năng của không gian xanh ở Huế. Khảo sát được tiến hành tại phường An Đông, Hương Sơ, Phú Hội, Tây Lộc và Thuỷ Biều. Cuối cùng, bà Hoàng Thị Bình Minh đến từ Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR) đã trình bày về những thách thức liên quan đến quy hoạch và triển khai xây dựng những không gian xanh trên thực tế với ví dụ là bốn không gian xanh thí điểm mà nhóm dự án dự kiến sẽ triển khai tại thành phố Huế trong những tháng tới.
Trong vòng thảo luận, những chuyên gia đã nhấn mạnh về việc thành phố Huế đã tương đối được phủ xanh với nhiều cây cố thụ cùng với những công viên trải dài dọc theo sông Hương, tuy nhiên, những khu vực dân cư mới phát triển có rất ít không gian xanh cũng như những không gian xanh hiện tại thiếu tính kết nối tổng thể. Ngoài ra, khoảng cách trung bình từ nhiều khu dân cư đến những không gian xanh công cộng gần nhất tương đối xa tùy thuộc vào các vị trí khác nhau trong thành phố, do đó, người dân phải di chuyển với quãng đường tương đối xa để có thể sử dụng các cơ sở hạ tầng xanh trong thành phố. Với tình trạng nhiệt độ liên tục tăng trong những năm tiếp theo, nhiều không gian công cộng và tư nhân nên được xây dựng thành những không gian xanh trực tiếp xung quanh những khu vực dân cư. Cơ sở hạ tầng cây xanh chủ yếu góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí và điều hòa khí hậu, nhưng cũng nên được sử dụng phục vụ cho các mục đích khác như giải trí, các hoạt động xã hội, văn hóa và giáo dục. Những người tham dự mong muốn trong vòng năm năm tiếp theo sẽ được nhìn thấy những đường phố nhiều cây xanh hơn và không gian công cộng với đa dạng các loài cây tại những khu vực dân cư hiện có và mới được quy hoạch. Những loại hình khác như mái nhà xanh, công viên quy mô nhỏ, vườn cây thẳng đứng và vườn đô thị sẽ được sử dụng trên toàn thành phố trong tương lai.
Những người tham dự đồng thời đưa ra một số đề xuất về việc mở rộng những tác động của kết quả dự án trong những tháng tiếp theo. Ví dụ, những khuyến nghị và ví dụ về các phương án tốt nhất được xây dựng trong khuôn khổ dự án nên được điều chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể của thành phố Huế để có thể đưa ra được những giải pháp cụ thể và phù hợp với nhu cầu của địa phương. Bên cạnh đó, những người tham dự cũng đề xuất rằng hoạt động khảo sát nên được mở rộng ra phạm vi toàn thành phố để dữ liệu thu thập có ý nghĩa hơn. Nhóm dự án sẽ xem xét những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và điều chỉnh phù hợp cho các hoạt động của dự án trong tương lai.
Hội thảo bàn tròn chính sách GreenCityLabHuế lần thứ ba được tổ chức vào ngày 22 tháng 03 tại Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế (HueIDS). Hội thảo được tổ chức bởi Viện Độc lập về các vấn đề Môi trường (UfU), Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR), Khoa Địa Lý – trường Đại học Humboldt tại Berlin (HUB), Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế (HueIDS) và khoa Kiến trúc – trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Hội thảo bàn tròn chính sách lần thứ tư dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2024.